Ngày 22 tháng 08 năm 2017
Câu hỏi:

Tôi bị bệnh viêm gan C, tôi nên khám và chữa như thế nào? Chữa bằng lá cây chó đẻ có được không?

c
Trả lời:

I.BỆNH VIÊM GAN C THEO Y HỌC HIỆN ĐẠI:

  1.Đại cương: Vi rút viêm gan C (HCV) là một loại vi rút truyền nhiễm qua máu mà trước đây thường được gọi là vi rút Viêm Gan không phải A hoặc B (non-A/non-B hepatitis) mới được phát hiện từ năm 1989. HCV có 6 loại (genotypes) thường thấy nhất: 1a, 1b, 2a, 2b, 3, 4, 5, và 6. Trong đó loại 1a và 1b rất phổ biến tại Hoa Kỳ và khó chữa trị hơn. HCV xâm nhập thẳng vào cơ thể qua máu; rồi tấn công tế bào gan và sinh sôi nẩy nở tại đây. HCV làm cho tế bào gan sưng lên và đồng thời giết các tế bào gan. Có đến 80% những người bị nhiễm HCV có khả năng trở thành bệnh kinh niên (chronic) - có nghĩa là 6 tháng sau khi bị nhiễm, bệnh vẫn không hết. Ða số những người bị HCV kinh niên không thấy có triệu chứng nào và vẫn có cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, trong số 10 - 25% người có HCV kinh niên, bệnh sẽ âm thầm tiến triển trong khoảng 10 - 40 năm, và có thể làm hư gan trầm trọng, xơ gan (cirrhosis), hoặc ung thư gan. Hiện nay bệnh viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu đưa đến việc thay ghép gan tại Hoa Kỳ. Cho đến nay chưa có thuốc chích ngừa hoặc thuốc để chữa lành hẳn bệnh HCV. Tuy nhiên nhiều phương pháp trị liệu được áp dụng có thể tiêu diệt và/hoặc làm chậm lại hay chặn đứng sự phát triển của HCV cho một số người trong đó có phương pháp sử dụng các loại thuốc của YHCT.

  2.Đường lây truyền bệnh: HCV lây lan chủ yếu bằng sự tiếp xúc trực tiếp qua máu.  Ðường truyền bệnh bao gồm việc dùng chung các vật dụng ma túy như kim chích, đồ nấu ma túy, dây cầm máu, ống hút, ống píp, v.v... Kim dùng để xâm mình, xỏ da, và châm cứu dùng chung hoặc quy trình vô khuẩn không đảm bảo cũng có thể truyền HCV.  Dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo, bàn chải đánh răng, hay dũa móng tay tuy ít nguy cơ nhưng vẫn có thể làm lây nhiễm bệnh. Trước năm 1992, nhiều người đã bị nhiễm HCV qua máu hoặc do nhận máu của người khác. Ðến năm 1992, cách thử máu đáng tin cậy để xác định kháng thể HCV được xử dụng.  Và từ đó các nguồn cung cấp máu được thử nghiệm. Ngày nay, tỷ lệ lây nhiễm HCV do truyền máu bị nhiễm rất thấp, dưới 0.01%. Một số ít (khoảng 1% - 3% người có liên hệ tình dục khác phái tính, một vợ một chồng) có thể bị lây nhiễm HCV do sự liên hệ tình dục không an toàn.  Những người thuộc các nhóm có "nguy cơ mắc bệnh cao" (như đàn ông đồng tính, mãi dâm, người có nhiều bạn tình, người mang bệnh lây qua đường tình dục) thường dễ bị nhiễm HCV qua đường tình dục hơn.

  Các nhân viên y tế cũng có nguy cơ nhiễm bệnh vì những tai nạn việc làm như bị kim đâm hoặc trong những trường hợp không thể tránh được có thể tiếp xúc trực tiếp với máu của người mang bệnh.

  Khoảng 5% những bà mẹ bị HCV có thể truyền bệnh cho con vào lúc trước hoặc trong khi sinh nở. Sự lây truyền này tùy thuộc vào mức độ HCV có trong máu của bà mẹ. Phần lớn những sản phụ bị đồng nhiễm HBV hoặc HIV có thể sẽ truyền HCV qua em bé. Vài cuộc khảo sát cũng tìm thấy HCV trong sữa mẹ, nhưng sự truyền bệnh qua việc cho con bú rất hiếm.

  Có đến 10% người có HCV không xác định được tại sao họ bị mắc bệnh. HCV không lây truyền qua những tiếp xúc thông thường hằng ngày như ăn chung bàn, uống chung ly nước, ôm, hắt hơi, hoặc ho. 

3.NHỮNG TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM GAN C: 

  Nhiều người không có hoặc có một ít triệu chứng trong giai đoạn nhiễm HCV cấp tính. Phần lớn các người mang bệnh HCV kinh niên cũng không có triệu chứng nào và vẫn sống gần như bình thường. Tuy nhiên, những người khác có thể có triệu chứng giống như bị cảm cúm nhẹ như buồn nôn, mệt mỏi, sốt, nhức đầu, ăn không ngon, đau vùng bụng, và nhức bắp thịt hay ở khớp. Một số người lại có những triệu chứng như bị cảm cúm nặng, cũng như vàng da và mắt bị đục, nước tiểu đậm. Sau một thời gian (thường là nhiều năm hoặc vài chục năm), người có bệnh HCV kinh niên có thể có những triệu chứng liên quan đến hư gan. Viêm Gan C kinh niên có thể liên quan đến nhiều triệu chứng khác.

4.CHẨN ÐOÁN BỆNH VIÊM GAN SIÊU VI C THEO Y HỌC HIỆN ĐẠI:

  4.1.XÉT NGHIỆM MÁU

       Men gan (SGOT, SGPT) tăng chứng tỏ tế bào gan đang bị phá hủy. Kháng thể chống siêu vi C dương tính trong hầu hết các trường hợp. Chức năng gan có thể rối loạn tùy mức độ và thời gian bị bệnh.

  4.2.KHÁM CHUYÊN KHOA GAN

       Sau khi xác nhận đang có quá trình viêm gan, đi khám Bác Sỹ chuyên khoa sẽ khuyên Bạn cần làm thêm các xét nghiệm sau:

       a. Xét nghiệm đánh giá chức năng gan

       b. Siêu âm gan: Nhằm nghiên cứu cấu trúc của gan và các bộ phận xung quanh, tìm dấu hiệu xơ gan hoặc biểu hiện bất thường khác.

       c. Sinh thiết gan: Xét nghiệm này cho phép các chuyên gia quan sát tế bào gan dưới kính hiển vi, xác định mức độ viêm nhiễm, chẩn đoán giai đoạn bệnh, đánh giá hiệu quả điều trị.

       d. Xét nghiệm HCV RNA: Phát hiện trực tiếp siêu vi trong máu, đồng thời định danh dưới nhóm để lựa chọn phác đồ điều trị hợp lý. Xét nghiệm này còn được sử dụng để tiên lượng đáp ứng tốt với điều trị hay không.

5.LỜI KHUYÊN CHẾ ÐỘ ĂN VÀ LỐI SỐNG CHO BỆNH NHÂN VIÊM GAN C:

   CHẾ ÐỘ ĂN:

    Bạn nên hạn chế uống rượu bia, bởi vì xơ gan dễ xảy ra hơn ở người viêm gan đồng thời nghiện rượu. Bệnh nhân viêm gan C có thể duy trì chế độ ăn lành mạnh bình thường. Khi đã có xơ gan, Bác Sỹ khuyên nên áp dụng chế độ ăn giảm muối.

   LỐI SỐNG:

   Như đã nêu ở trên, siêu vi viêm gan C chủ yếu lây truyền qua đường máu. Nếu bạn bị đứt tay, hãy lau sạch máu bằng dung dịch sát trùng. Mặc dù nguy cơ lây nhiễm thấp, bạn vẫn nên áp dụng phương pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục.

6.ÐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM GAN C:

   Bệnh viêm gan C mạn tính cần được điều trị càng sớm càng tốt nhằm:

   4.1. Giảm thiểu hoặc loại trừ hoàn toàn tình trạng viêm gan, do đó ngăn ngừa diễn tiến sang xơ gan, ung thư gan.

   4.2. Ðào thải hoặc giảm bớt lượng siêu vi C trong cơ thể, đặc biệt là ở gan.

7.ÐIỀU TRỊ ÐẶC HIỆU THEO Y HỌC HIỆN ĐẠI:

    Cho đến nay, biện pháp cơ bản điều trị viêm gan siêu vi C là Interferon alpha. Ðây là một chất tự nhiên của cơ thể, được sản xuất bởi các tế bào đề kháng khi bị nhiễm siêu vi. Như vậy, khi được dùng để điều trị bệnh viêm gan C, interferon alpha bắt chước đáp ứng tự nhiên của cơ thể chúng ta.

   Interferon alpha (RoferonỊ-A) được đóng sẵn trong bơm tiêm nhỏ, tiêm dưới da hoặc bắp thịt. Sau những lần tiêm đầu tiên, hầu hết bệnh nhân có cảm giác sốt nhẹ, mệt mỏi giống như cúm trong vài giờ. Lý do là việc điều trị Interferon alpha sẽ khởi động đáp ứng của cơ thể chống lại siêu vi trùng C, tương tự như đối với siêu vi trùng cúm. Những triệu chứng này giảm dần sau một vài tuần. Trong thời gian điều trị, Bạn nên làm xét nghiệm máu để đánh giá đáp ứng. Sau khi kết thúc đợt điều trị, cần tiếp tục theo dõi 6 tháng tiếp theo, bởi vì một số bệnh nhân có thể tái phát sau khi ngưng điều trị.

   Hiên nay, một số phác đồ phối hợp kháng sinh chống virut cho kết quả khỏi bệnh cao hơn, ví dụ kết hợp Interferon alpha với Ribavirin.

II/BỆNH VIÊM GAN C THEO ĐÔNG Y:

   Bệnh viêm gan theo Đông Y nằm trong chứng Hoàng đản - Hiếp thống. Trong đông y không có viêm gan do virus A,B,C mà chỉ có các triệu chứng của viêm gan cấp và mãn tính được xếp vào chứng trên. Chứng hoàng đản- hiếp thống muốn nói tới 2 triệu chứng cơ bản của bệnh này là có vàng da và đau tức vùng ngực bụng.

   1.Nguyên nhân gây bệnh: Theo đông y chứng này thường gặp ở những người cơ thể suy nhược, ăn uống không hợp lý, tình chí không thoải mái, Can không được sơ tiết uất kết thường làm tổn thương đến Tỳ Vị.  Tỳ Vị hư nhược, hàn thấp hoặc thấp nhiệt uất kết ở trung tiêu lại gặp phải thời khí ôn dịch(Khí hậu nóng ẩm) dễ dẫn đến viêm gan.

   2.Cách chữa theo đông y bệnh viêm gan c: 

   a.Sơ can, Kiện Tỳ, lý khí, lợi thấp:  Hàn có thể sinhthấp, thấp có thể sinh nhiệtHàn thấp hay thấp nhiệt tuỳ vào cơ địa, yếu tố chínhvẫn là do thấp.  Vì “Tỳ ố thấp”, nên Tỳ và thấp là tương quan giữa chính khí và tà khí trong bệnh viêm gan.  Kiện Tỳ để nâng cao chính khí chống lại tà khí.  Mặt khác, cần lợi thấp để thanh giải tà khí và bảo vệ khí hoá của Tỳ Vị.  Tuỳ theo sự mạnh yếu của chính khí, kiện Tỳ có thể chỉ là một vài vị thuốc cay, ấm để kích thích tiêu hoá như bạch truật, hậu phác, vỏ bưởi, gừng…. hoặc phải dùng thêm các vị để bổ khí như nhân sâm, đảng sâm, hoàng kỳ, đinh lăng, ngũ vị tử…..  Lợi thấp thường dùng những vị thuốc lợi tiểu hoặc tả hạ để hoá thấp theo 2 đường đại tiểu tiện. Sơ can người ta dùng thêm Sài hồ, chi tử, ….

   b.Nhuận gan, giải độc:  Nhuận gan, giải độc vừa nâng cao chức năng của gan vừa ngăn chận sự phát triển của tà độc.  Theo các nhà khoa học, những tác nhân gây viêm gan hoặc hoại tử tế bào gan thường bắt đầu từ sự gia tăng quá trình peroxide hoá lipid ở màng tế bào.  Do đó, bảo vệ gan phải bắt đầu từ những chất chống oxy hoá có tính năng ức chế qúa trình nầy.  Những chất chống oxy hoá có rất nhiều trong các loại rau, quả, củ, nhất là những rau quả có vị chát, đắng, rau quả sậm màu hoặc màu vàng, tím, đỏ.  Theo hướng nầy, trong những năm gần đây, người ta đã nghiên cứu và phát hiện được nhiều loại rau, củ có tác dụng nhuận gan giải độc của Đông y như hoàng liên, nhân trần, tảo spirulina,rau om, chó đẻ răng cưa(Diệp  hạ  châu). . có hàm lượng chất chống oxy hoá hướng gan có khả năng ức chế rất mạnh quá trình peroxide hoá ở gan.  Ngoài ra, những chất nầy còn làm gia tăng hàm lượng GSH ở gan làm giảm hoạt độ các enzym SGOT và SGPT trong những trường hợp viêm gan siêu vi đang tiến triển, TB gan đang bị phá hủy.  Cơ chế nầy có thể giải thích được những trường hợp chữa khỏi viêm gan từ kinh nghiệm dân gian bằng cách chỉ dùng một hoặc phối hợp của vài vị thuốc nam như nhân trần, chó đẻ răng cưa ( Diệp hạ châu), rau om, lá gai, củ móp gai, quả dứa dại.  Phần lớn những vị nầy thường có vị đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, sát trùng, tiêu viêm, giải độc.  Thuốc  có thể lợi tiểu để trừ thấp, có thể nhuận gan giải độc lại cung cấp được nhiều chất chống oxy hoá để nâng cao sức miễn dịch và bảo vệ tế bào gan. , rau om, chó đẻ răng (Diệp  hạ  châu)

   c.Sơ can lý khí hoạt huyết: Nếu viêm gan mãn có kèm theo hội chứng tăng áp lực TM chủ biểu hiện gan lách to, tuần hoàn bàng hệ ở bụng, theo đông y là do Khí trệ huyết ứ phải dùng thêm các vị thuốc hành khí hoạt huyết như: Tam lăng, nga truật, tam thất, đào nhân, hồng hoa, xuyên khung, đương quy, bạch thược, sinh địa,……..

   Sau đây là một bài thuốc nam đơn giản có tác dụng kiện Tỳ lợi thấp và nhuận gan giải độc.

   Nhân trần 20g                                                 Vỏ bưởi 8g

   Chó đẻ răng cưa ( Diệp hạ châu) 20g               Hậu phác 12g

   Thổ phục linh 16g (sắc uống ngày 1 thang)

   Nếu cơ thể quá suy nhược có thể gia thêm rễ đinh lăng 12g, nhiệt nhiều gia thêm rau má 12g, hạt dành dành 12g.

III/CÂY CHÓ ĐẺ RĂNG CƯA (Diệp hạ châu): Còn có tên diệp hòe thái, lão nha châu, prak phle(Campuchia). Tên khoa học Phyllanthus urinaria L.(PHYLLANTHUS CANTONIENSIS HORNEM.) Thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae.

   1.Mô tả cây: Cây chó đẻ răng cưa là 1 loài cỏ mọc hằng năm, cao chừng 30cm, thân gần như nhẵn, mọc thẳng đứng, mang cành thường có màu đỏ. Lá mọc so le, lưỡng lệ trông như lá kép, phiến lá thuôn dài 5-15mm, rộng 2-5mm, đầu nhọn hay hơi tù, mép lá hơi có răng cưa rất nhỏ. Hoa mọc ở kẽ lá, nhỏ, màu đỏ nâu. Qủa treo dưới lá nên có tên Diệp hạ châu.

   2. Phân bố thu hái: Mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta cũng như khắp các vùng nhiệt đới. Người ta dùng toàn cây hái về làm thuốc. Mùa hái quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa hạ. Thường dùng tươi có khi phơi khô.

   3. Tác dụng dược lý: Cây có tính kháng sinh như sau: Tụ cầu(0,5), Typhi(0,9), Flexneri(1,1), Sonnei(0). Shiga(1), Suptilis(0,4), Coli(0). Năm 1998 có công trình của Blumberg và Thiogarajan công bố đã điều trị cho 37 bệnh nhân viêm gan B bằng chó đẻ răng cưa đạt kết quả âm tính 22/37 sau 30 ngày. Các tác giả chứng minh rằng Diệp hạ châu có chứa chất làm ức chế men polymerasaDNA của virus viêm gan B.

   4. Công dụng và liều dùng: Nhân dân ta hay dùng diệp hạ châu làm thuốc , giã nát với muối chữa đinh râu, mụn nhọt. Có tác dụng chữa bệnh gan, chữa sốt, đau mắt đỏ, rắn cắn. Ngày uống 20-40g cây tươi, sao khô sắc đặc mà uống. Dùng ngoài không có liều lượng.

IV. LƯU Ý: Đối với những người dùng thuốc Đông y để tự chữa bệnh viêm gan, điều cần lưu ý là tính đối kháng với yêu cầu kiện Tỳ của những loại thuốc lợi thấp và nhuận gan giải độc. Phần lớn các loại thuốc lợi thấp và nhuận gan giải độc đều có tính bình hoặc hàn.  Những thuốc nầy đều có khuynh hướng làm trệ Tỳ nhất là đối với những người có thể tạng hư hàn dễ phát sinh đầy bụng, đi cầu lỏng, phân nát, dùng lâu dài có thể ảnh hưởng đến chính khí (Sức khỏe) của người bệnh.  Do đó, khi những triệu chứng nầy xảy ra cần tạm ngưng hoặc giảm bớt liều lượng những vị thuốc hàn và bổ sung những vị thuốc bổ có tính cay ấm để kiện Tỳ.  Đây là một trong những lý do khiến một bài thuốc hay vị thuốc có kết quả tốt với người nầy nhưng không hiệu lực với người khác. Bài thuốc hay vị thuốc có thể là chủ dược.  Tuy nhiên, nó phải được vận dụng hợp lý trong bối cảnh tùy theo cơ địa của từng người và diễn biến bệnh tình của bệnh nhân cho nên tốt nhất là người bệnh nếu muốn phối hợp điều trị theo đông y nên đến khám bệnh tại các khoa đông y bệnh viện đa khoa, bệnh viện đông y hoặc các cơ sở y tế tư nhân về đông y được Sở Y Tế các địa phương công nhận để được các thầy thuốc chuyên khoa đông y khám xét kỹ lưỡng và gia giảm thuốc theo từng người cụ thể. Người bệnh không nên tự uống các bài thuốc kinh nghiệm chưa qua kiểm chứng dễ bị ngộ độc hoặc phát sinh tác dụng phụ làm bệnh trầm trọng hơn.


22/08/2017

Liên kết Website